Thay vì được "du di" như lâu nay, từ ngày 15-5 tới đây tất cả người Việt, trừ người Hội An có lý do chính đáng, khi vào phố cổ Hội An sẽ buộc phải mua vé.
Hội An đang áp dụng nhiều cách để khuyến khích khách mua vé tham quan - Ảnh: S.C.
Thông tin này được UBND TP Hội An cho biết trong kế hoạch tăng cường quản lý hướng dẫntham quan khu phố cổ.
Hai lối riêng biệt vào ra phố cổ
Theo đó, giá vé tham quan vẫn không đổi. Với khách quốc tế là 120.000 đồng/vé, khách nội địa là 80.000 đồng/vé. Lâu nay khách mua vé đa phần là khách quốc tế, khách đi theo tour.
Hiện tại, mỗi ngày bình quân có khoảng 15.000 lượt người ra vào phố cổ tham quan, nhưng số vé bán được chỉ chiếm chưa đầy một nửa con số này.
Để nâng cao chất lượng tham quan phố cổ, từ ngày 15-5 tới đây Hội An sẽ bắt đầu áp dụng một số giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý chặt người dân, du khách ra vào khu vực 1 - nơi tập trung các dãy nhà cổ.
Sẽ có hai luồng vào ra phố đi bộ. Người dân địa phương một lối và du khách đi lối riêng.
Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng Hội An lâu nay nổi tiếng là nhân tình thuần hậu, hiếu khách, việc áp dụng vé đại trà sẽ khiến khách không muốn trở lại.
"Nếu vào phố cổ chỉ để uống một vài ly cà phê, một chai nước mà tiền vé đã gấp 3-4 lần thì rất vô lý" - một người dân Đà Nẵng nêu tình huống.
Thông tin này đang gây nhiều ý kiến trái chiều từ vài ngày qua. Một số ý kiến cho rằng việc phân luồng, kiểm soát người ra vào phố đi bộ là biểu hiện của sự "tận thu".
Khách nước ngoài thích thú và tự nguyện mua vé để ủng hộ nỗ lực gìn giữ di sản Hội An - Ảnh: S.C.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An - cho biết Hội An vẫn đang lắng nghe những ý kiến góp ý từ người dân và du khách.
Tuy nhiên, theo bà Cẩm, việc siết chặt quản lý phố cổ nhằm tạo sự công bằng do tất cả du khách.
Từ trước đến nay dù nguyên tắc vào khu vực 1 thì phải mua vé nhưng đa phần người Việt đều được miễn. Sau thời gian chỉnh trang, nâng cấp phố cổ, đã đến lúc đặt ra yêu cầu quản lý và phục vụ tốt hơn.
"Nếu người mua vé và người không mua vé cùng vào phố cổ và trải nghiệm như nhau thì sẽ không công bằng. Hội An cũng sẽ không thể phục vụ tốt du khách đã bỏ tiền để mua vé tham quan" - bà Cẩm nói.
Do vậy, theo bà Cẩm, trước mắt Hội An sẽ bố trí hai luồng nằm sát nhau trên các lối chính vào phố cổ. Du khách mua vé sẽ đi lối riêng. Lối còn lại là dân Hội An sinh sống trong phố cổ và những người có công việc cần thiết sẽ đi lối riêng mà không phải mua vé.
"Dùng người phố cổ để 'nhận diện' người phố cổ"
Nhưng có câu hỏi đặt ra: Làm cách nào để tránh gian lận, làm sao phân biệt đâu là dânphố cổ, đâu là người "có lý do chính đáng" và "không chính đáng" khi vào phố cổ?
Theo bà Cẩm, Hội An sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát với đa phần là người ở Hội An nên bà con sẽ có cách nhận diện nhau.
Trong tương lai, Hội An sẽ áp dụng công nghệ để nhận diện du khách, kiểm soát người ra vào bằng phương pháp tối ưu hơn.
Ngoài ra hiện nay Hội An cũng đã trang bị camera phủ kín phố cổ, việc gian lận sẽ bị xử lý. Trong phố cổ sẽ có lực lượng đi kiểm tra thường xuyên, người không mua vé sẽ được mời ra ngoài.
Các lối kiểm soát ra vào khu phố cổ - Ảnh: B.D.
Tuy nhiên bà Cẩm nói trước mắt Hội An cũng chưa "làm rát" mà việc phân luồng chủ yếu tạo thói quen, hình thành dần ý thức đóng góp cho di sản thông qua việc mua vé.
Đi liền với đó, Hội An cũng đầu tư nâng cấp nhiều không gian tham quan mới lạ, nhiều hoạt động nghệ thuật hấp dẫn hơn so với trước.
"Cùng di sản như nhau nhưng lâu nay vé tham quan Hội An vẫn được cho là thấp hơn rất nhiều so với các điểm đến khác. Thậm chí một số ý kiến còn đánh giá rằng Hội An là nơi du lịch giá rẻ, chúng tôi không muốn mang 'thương hiệu' buồn này.
Áp lực môi trường, quản lý lên phố cổ đang rất lớn nhưng số tiền thu lại chưa xứng tầm giá trị" - bà Cẩm nói.