Trang Chủ / Sức Khỏe / Nỗ lực thoát cảnh ngồi xe lăn của người đàn ông bệnh gout

Nỗ lực thoát cảnh ngồi xe lăn của người đàn ông bệnh gout

Sức Khỏe

TP HCMGần hai năm trước, nam bệnh nhân 60 tuổi được người nhà đẩy xe lăn đến gặp bác sĩ với các khớp tay chân bị sưng đỏ, đau nhức dữ dội, nổi nhiều cục tophi, suy kiệt nặng nề.

 

Người đàn ông ngụ Quảng Bình đau nhức các khớp tay chân từ cách đây gần 20 năm. Khi ấy, ông nghĩ đau xương khớp, mua thuốc uống mỗi khi đau nhiều. Càng ngày, tình trạng đau tăng dần, đặc biệt những khi trời rét. Vài năm sau, ông đi khám ở bệnh viện, được bác sĩ chẩn đoán bệnh gout. "Ở quê ít nghe nói đến bệnh này, tôi chỉ biết mua thuốc uống khi lên cơn đau, ăn uống bình thường vì cũng không rành về bệnh để kiêng cữ nhiều", ông nói.

Ông duy trì uống nhiều loại thực phẩm chức năng trị bệnh gout liên tục nhưng không cải thiện nhiều. Lâu dần, các cục tophi to lên ở các khớp, các cơn đau với tần suất ngày càng nhiều, "sưng đau rất dữ dội khủng khiếp", khiến ông đi đứng khó khăn, phải có người dìu.

Hơn hai năm trước, ông nhập viện địa phương hai lần với nhiều bệnh khác như xơ gan cổ trướng, suy thận, xuất huyết dạ dày, thiếu máu... "Ai cũng tưởng ông ấy không qua khỏi", vợ bệnh nhân nói. Xuất viện về nhà, người ông yếu hẳn, tay chân khẳng khiu, phụ thuộc phần lớn vào người thân. Gia đình động viên, gom góp tiền, đưa ông vào TP HCM chữa trị, đầu năm ngoái.

Nỗ lực thoát cảnh ngồi xe lăn của người đàn ông bệnh gout

Tay chân bệnh nhân nổi nhiều cục tophi, đau nhức, suy kiệt, khi mới nhập viện điều trị. Ảnh: Viện Gút

Bác sĩ Trần Văn Chức, Giám đốc Phòng khám đa khoa Viện Gút TP HCM, cho biết đây không phải ca bệnh gout nặng nhất điều trị tại đây nhưng là một trong những trường hợp phức tạp nhất với hàng loạt bệnh lý nặng nề kèm theo, đặt ra rất nhiều thách thức trong điều trị. Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 4, sỏi thận, thận ứ nước, xơ gan giai đoạn cuối đã biến chứng cổ trướng, men gan tăng, lách to, thiếu máu nặng, xơ vữa động mạch... Nếu không điều trị hiệu quả, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, trong khi tình trạng của gan rất nặng, tử vong cận kề. Các cục tophi của bệnh gout phá hủy xương, khiến bệnh nhân đau nhức ngày càng nhiều hơn.

"Du ngồi xe lăn, bệnh nhân cũng không thể ngồi lâu, than mệt liên tục", bác sĩ Chức nói. Do uống giảm đau lâu ngày, bệnh nhân bị lệ thuộc cortisol, càng gây nhiều khó khăn trong điều trị. Các bác sĩ tầm soát tất cả vấn đề bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải, hội chẩn đưa ra phác đồ chi tiết và nhiều giải pháp tốt nhất điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ thiết lập chế độ ăn với thực đơn từng bữa cho người bệnh, đảm bảo sự cân đối các chất đưa vào cơ thể, tính cụ thể lượng kilo calo dung nạp, lượng đạm vừa phải để không ảnh hưởng hoạt động của thận, cũng như giảm được lượng acid uric giúp cải thiện bệnh gout. Bác sĩ cũng hướng dẫn người nhà chế độ chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo nghỉ ngơi.

Bác sĩ cũng cân nhắc thận trọng khi cho bệnh nhân dùng thuốc, phối hợp đa dạng các loại thuốc nhưng phải cân đối hàm lượng phù hợp, tránh ảnh hưởng gan, thận, mạch máu, tim mạch... "Thuốc tốt cho bệnh này có thể tác động đến bệnh kia của bệnh nhân nên các bác sĩ phải nghiên cứu, chọn lựa rất kỹ", bác sĩ Chức nói.

Bác sĩ áp dụng chiến lược "theo dõi quãng ngắn", thời gian đầu yêu cầu bệnh nhân 5-7 ngày phải trở lại viện một lần để xét nghiệm kiểm tra, đánh giá đáp ứng thuốc. Các dữ liệu, chỉ số xét nghiệm, siêu âm của bệnh nhân được lưu có hệ thống để tiện theo dõi, so sánh cụ thể mỗi khi tái khám. Nhờ vậy, bác sĩ đã kịp thời phát hiện những thời điểm cần phải điều chỉnh thuốc để giảm tác dụng phụ trên thận. Điều trị giằng co như vậy trong hơn một năm, chức năng gan của bệnh nhân được cải thiện đáng kể, độ xơ cứng của gan giảm rõ rệt, dịch cổ trướng cũng hết và không còn tái phát, chức năng thận cải thiện.

Vợ bệnh nhân cho biết chỉ khoảng một tuần đầu điều trị theo phác đồ này, ông đã có biểu hiện cải thiện rõ rệt. Sau khoảng một tháng, bác sĩ thông báo các chỉ số xét nghiệm, sức khỏe được phục hồi, thời gian tái khám được giãn cách dần, từ 1-2 tuần sang 1-2 tháng. "Chúng tôi có thêm niềm tin nên quyết tâm tiếp tục điều trị đến cùng", bà nói.

Theo bác sĩ Chức, đa số bệnh nhân đến khám không chỉ bị bệnh gout mà còn mắc rất nhiều bệnh lý khác. Nguyên nhân do bệnh gout thường gặp ở người từ 40 tuổi, lứa tuổi có kèm bệnh khác như huyết áp, tim mạch, thận, gan... Ngoài ra, đa phần người mắc bệnh gout đã dùng thuốc không kiểm soát, không có chỉ dẫn, tự mua thuốc uống lâu dài, gây ảnh hưởng các cơ quan khác trong cơ thể, suy hệ thống nội tiết do dùng giảm đau thuộc nhóm dexamethasone... Điều này dẫn đến một người thường mắc nhiều bệnh mãn tính có liên quan với nhau tạo thành vòng xoắn bệnh lý, cơ quan này suy sụp kéo theo cơ quan khác bị ảnh hưởng. Do đó, đòi hỏi phải có mô hình điều trị toàn diện, tháo gỡ cùng lúc các vòng xoắn này.

Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ không thể chỉ điều trị gout đơn độc mà phải đánh giá kết hợp cùng lúc trong tổng thể các bệnh lý khác, phối hợp thuốc chi tiết để hỗ trợ từng cơ quan, bộ phận. "Nếu điều trị đơn độc sẽ không thành công nên phải chẩn đoán tất cả bệnh đi kèm càng chi tiết càng tốt. Các bệnh nhân có bệnh lý thận, gan, tim mạch nặng, chỉ cần sai sót vài viên thuốc, vài bữa ăn đã ảnh hưởng người bệnh", bác sĩ chia sẻ.

Gout là một bệnh chuyển hóa đặc trưng bằng những đợt viêm khớp cấp tái phát và lắng đọng urat trong các mô, gây ra do tăng acid uric máu. Khi lên cơn cấp tính, các khớp bị đột ngột sưng đỏ, đau nhức dữ dội. Bệnh nhân thường bị đánh thức đột ngột vào nửa đêm với ngón chân cái như bị lửa đốt, nóng rát, sưng phồng, đau đớn và cảm giác nặng nề không thể chịu đựng nổi.

Quá trình điều trị bệnh gout được chia thành ba giai đoạn, gồm điều trị tấn công trong giai đoạn cấp (mục tiêu giảm đau, hạ acid uric), giai đoạn điều trị duy trì để tiêu hết tinh thể với nồng độ urat thấp và sau đó là dự phòng để bảo vệ cho người bệnh suốt đời không bị gout. Trong quá trình điều trị, phải áp dụng một số biện pháp như chế độ ăn không rượu bia, không quá nhiều đạm, hạn chế vận động nặng nếu tràn dịch khớp, đến khi tophi rã hết. Đây là bệnh cần quản lý lâu dài, nếu không kiểm soát tốt, bệnh tái phát phải quay lại điều trị từ đầu sẽ rất vất vả.

Từ việc lệ thuộc vào người thân, nay nam bệnh nhân có thể tự đi đứng, tự chạy xe máy ra biển gần nhà tắm. "Nếu biết chạy chữa đàng hoàng có thể hồi phục tốt như vậy thì tôi đi điều trị từ mười mấy năm trước, không phải chịu đau đớn, khổ sở kéo dài như vậy", ông nói. Hiện, ông không cần người thân hỗ trợ mà có thể tự đón xe từ quê vào TP HCM tái khám định kỳ mỗi ba tháng, tiếp tục các thuốc điều trị gout, thuốc tăng cường chức năng thận gan, tình trạng sức khỏe đang cải thiện từng ngày.

Lê Phương

Nguồn: Nguồn vnexpress.net

Nỗ lực thoát cảnh ngồi xe lăn của người đàn ông bệnh gout - Sức Khỏe