Hơn nửa tháng qua, thời tiết ở Đồng Nai dần trở nên nắng gắt, oi bức khiến cho những cánh rừng già của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) ở xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu và Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú) 'khát' nước.
Đại diện lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quan tâm, thăm hỏi, động viên lực lượng kiểm lâm nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: T.Nhân
Lá rừng rụng nhiều khiến tầng thảm mục trên bề mặt đất rừng rất dày với độ ẩm thấp và dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng.
* Chú trọng phương án “phòng là chính”
Sớm nắm bắt được tình hình, lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn và VQG Cát Tiên trong những ngày qua đặc biệt chú ý đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) như: rà soát, chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR, đảm bảo sẵn sàng trong mọi tình huống có thể xảy ra; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy rừng.
“Công tác PCCCR đến nay vẫn đảm bảo trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng địa phương ngày càng được nâng cao, hiểu rõ được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng” - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn NGUYỄN HỮU PHƯỚC chia sẻ.
“Đồng Nai hiện đang vào cao điểm mùa khô. Những ngày này, anh em kiểm lâm dành hầu hết thời gian để canh trực ngoài rừng. Công việc của anh em rất cực khổ, ngoài làm công tác PCCCR ban ngày thì còn đi tuần tra ban đêm để kiểm soát, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép” - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên Nguyễn Thanh Long tâm sự.
Theo ông Long, VQG Cát Tiên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và được giao quản lý hơn 82 ngàn ha trên địa bàn của 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Vườn được đánh giá cao về tiềm năng đa dạng sinh học với hàng ngàn động, thực vật bậc cao, quý hiếm.
“Điều đó khiến công tác bảo vệ rừng, PCCCR thường chịu nhiều áp lực. Bởi tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản, xâm lấn đất rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật và cháy rừng, cháy thảm thực vật vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, mùa khô hàng năm là thời gian cao điểm xảy ra các vụ vi phạm nói trên” - ông Long cho biết.
Hiện thời tiết hiện đang vào cao điểm mùa khô và chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Do vậy, VQG Cát Tiên đã chủ động các tình huống và tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa với quyết tâm bảo vệ an toàn diện tích rừng trong cao điểm mùa nắng nóng năm nay.
Cụ thể VQG Cát Tiên xác định được vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để chủ động xây dựng phương án PCCCR. Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR, các đội phòng chống cháy và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để theo dõi, kiểm tra, bố trí lực lượng túc trực tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ để chủ động phát hiện sớm các điểm cháy và kịp thời dập tắt ngay khi đám cháy mới hình thành. Đảm bảo quân số thường trực chữa cháy trong những ngày lễ và những ngày nghỉ hàng tuần hay các tháng đặc biệt trong mùa nắng nóng hanh khô. Phân công người thường xuyên cập nhật thông tin, cấp dự báo cháy rừng, báo cáo ban chỉ huy, thông tin cấp dự báo cháy rừng đến các trạm kiểm lâm trực thuộc biết, theo dõi và tổ chức trực đảm bảo.
VQG Cát Tiên còn đầu tư mua sắm, trang cấp và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy rừng. Nhiên liệu (xăng, nhớt) được chuẩn bị đầy đủ và cho vận hành các máy bơm chữa cháy 2 lần mỗi tuần, đảm bảo sẵn sàng khi có cháy xảy ra.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Hữu Phước cho biết, để thực hiện tốt công tác PCCCR, lãnh đạo Khu bảo tồn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức, bố trí lực lượng tiến hành tuần tra, trực gác tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp người dân vào rừng trái phép, vi phạm quy định về PCCCR. Phân công người theo dõi, nhận thông tin, ghi chép, cập nhật cấp dự báo cháy rừng từ văn phòng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn để hiển thị đúng trên bảng báo hiệu cấp dự báo cháy rừng. Bố trí người trực tuần tra kiểm soát PCCCR trong suốt thời gian diễn ra cao điểm nắng nóng.
“Khu bảo tồn thuê khoán lực lượng lao động tại chỗ thực hiện công tác trực, tuần tra và canh gác PCCCR tại 67 điểm gác thuộc các khu vực rừng trọng điểm, 5 xung yếu có nguy cơ cháy cao, thời gian trực ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, lễ” - ông Phước cho hay.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn cho thi công đường băng cản lửa trên địa bàn được giao quản lý đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Tiến hành ký “bản cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng, PCCCR, giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư thôn - ấp” và “biên bản thỏa thuận sử phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR mùa khô 2022-2023” với các hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp nhằm chủ động đáp ứng đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khi có cháy rừng xảy ra.
* Vì màu xanh những cánh rừng
Mùa khô năm nay sẽ còn kéo dài và có nhiều diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, các đơn vị giữ rừng sẽ dồn lực, tập trung cao độ vào công việc PCCCR, vì chỉ cần một chút lơ là, chủ quan sẽ dẫn đến hậu quả cháy rừng nghiêm trọng.
Kiểm lâm của Vườn quốc gia Cát Tiên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các loại dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: T.Nhân
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên Nguyễn Thanh Long cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cháy rừng gây ra, VQG Cát Tiên sẽ tăng cường phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an và các đơn vị quản lý rừng, chính quyền cấp xã trong thời gian tới; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát rừng, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, bố trí tổ lực lượng trực 24/24 giờ; nắm bắt tình hình thời tiết, cấp dự báo cháy rừng thường xuyên để từ đó có biện pháp đối phó kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, PCCCR cũng được đẩy mạnh; tuyên truyền, vận động cho nhân dân nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Trong đó, công tác phòng ngừa vẫn giữ vai trò chính.
Còn theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Hữu Phước, Khu bảo tồn sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, canh phục trên địa bàn được giao quản lý, đặc biệt chú trọng tại các khu vực giáp ranh với 2 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước. Tổ chức, bố trí lực lượng tiến hành tuần tra, trực gác tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp người dân vào rừng trái phép, vi phạm quy định về PCCCR.
Khu bảo tồn sẽ thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các loại dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng; thực hiện công tác thi công đường băng cản lửa trên địa bàn được giao quản lý đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra.
Thực hiện “4 tại chỗ” và “4 sẵn sàng”
Trong công tác PCCCR, các đơn vị giữ rừng luôn quán triệt phương châm “phòng cháy rừng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn” với nguyên tắc “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và "4 sẵn sàng": sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần, sẵn sàng chỉ huy.